Cây Trầu Bà hiện nay có rất nhiều loại với nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Chúng là loại cây cảnh được rất nhiều người ưa chuộng và đặt ở nhiều vị trí trong không gian sống. Vậy điều gì đã khiến loại cây này trở nên đặc biệt trong mắt người nhìn đến thế? Hãy cùng Review Chuẩn khám phá ngay top 17 cây có vẻ đẹp cuốn hút nhất trong bài viết này nhé.
Tìm hiểu về cây trầu bà
Tên gọi, nguồn gốc xuất xứ
- Tên thường gọi là cây trầu bà
- Tên gọi khác: Vạn Niên Thanh leo, Thạch Cam Tử, Hoàng Tam Điệp, sắn dây Hoàng Kim, Trầu Bà Vàng,…
- Tên tiếng anh: Pothos
- Tên khoa học: Epipremnum aureum, là loài thực vật có hoa họ Araceae
- Cây trầu bà có xuất xứ từ đảo Solomon, nguyên sinh là ở Indonesia
Đặc điểm cây
- Thân cây: thuộc loại thân leo, dáng to tròn
- Lá cây: là loại lá đơn, màu xanh bóng, trên lá có vạch, đốm hoặc hoa văn tùy loại. Đa số lá có hình trái tim, một số khác có hình răng cưa hoặc lá xẻ,…
- Rễ cây: dạng rễ bò lan
- Hoa: dạng mo, mọc theo từng cụm cuống ngắn
- Môi trường sống: Cây sống tốt ở khí hậu nhiệt đới, ưa nước và bóng râm, không chịu được nắng gắt. Bạn cũng có thể trồng theo kiểu thủy canh mà cây vẫn sinh trưởng tốt
Các loại cây trầu bà phổ biến
1. Cây trầu bà đế vương xanh
Cây trầu bà đế vương xanh phát triển theo theo dạng bụi. Lá của cây hơi bầu và thon dần lại ở phần đầu. Lá non có màu xanh nhạt và chuyển dần sang xanh sẫm khi già, bề mặt lá mềm, bóng. Khi cây sống lâu năm thân sẽ có dạng cột. Vị trí thích hợp đặt cây là nơi có ánh sáng đèn huỳnh quang hoặc nơi có nắng nhẹ chiếu vào. Trầu bà đế vương xanh có thể trồng thủy sinh hoặc trong đất và đặt chúng ở ban công hoặc bàn làm việc.
2. Cây trầu bà đế vương đỏ
Cây trầu bà đế vương đỏ là loại không có thân, lá bản to, hình bầu dục và nhọn ở cuối lá. Màu sắc chủ đạo của lá là màu đỏ tía. Hoa của cây ra nở thành từng cụm trắng ngà và có mo hoa bao bọc bên ngoài. Khi trưởng thành cây có thể cao 1m5 nếu trồng tự nhiên. Trầu bà có thể trồng trong chậu cảnh, chậu treo và bình thủy tinh.
3. Cây trầu bà đế vương vàng
Trầu bà đế vương vàng có bản lá to dày thuôn nhọn đầu, tim sâu ở gốc, lá non màu vàng và khi già có màu lục. Lá cây có mùi thơm đặc trưng. Hoa của trầu bà đế vương vàng dạng mo nhỏ, cuống chụp mập. Trầu bà đế vương vàng khi trưởng thành có thể cao đến 2m. Loại cây này có thể trồng trong chậu cảnh và sống trong môi trường thủy sinh rất bền và dễ chăm sóc.
4. Trầu bà vàng
Cây trầu bà vàng là cây có lá hình trái tim, bầu màu vàng xen lẫn màu xanh. Thân cây có màu xanh, rễ xuất hiện mỗi đốt thân. Giúp cây có thể bám chắc vào tường, cột để hút chất dinh dưỡng. Cây có thể trồng được trong chậu đất, chậu thủy sinh hoặc sống bám vào một cây khác.
5. Trầu bà cẩm thạch
Cây trầu bà cẩm thạch là cây thân thảo, dạng dây leo. Lá của cây có hình dáng gần giống hình trái tim và hơi dài. Lá có màu xanh kết hợp thêm những vệt trắng kem và vệt trắng chiếm diện tích nhiều nhất. Cây thích hợp trồng ở dạng chậu đất hoặc thủy sinh, nơi có ánh sáng dịu nhẹ. Cây bà cẩm thạch có thể đặt ở bàn làm việc hoặc treo lơ lửng ở trước hiên nhà.
6. Trầu bà trắng
Trầu bà trắng có lá màu trắng bạc đốm xanh, kích thước bản to, đầu lá nhọn. Cây thân thảo nhỏ, thân cây dạng bụi, một số thân bò ngang và lá thường hướng lên trên. Loại cây này không có hoa. Cây trầu bà trắng thích hợp sống ở nơi ẩm và râm mát, cây cũng có thể sống ở nơi có ánh nắng trực tiếp.
7. Trầu bà lỗ
Cây trầu bà lỗ là cây thân thảo, có tính bò lan lâu năm. Cây có nhiều nhánh và nhiều đốt ở gốc. Phiến lá có màu xanh, hình bầu dục, trên phiến lá có nhiều lỗ to nhỏ khác nhau rất độc đáo. Trầu bà lỗ thích hợp trồng ở những nơi râm mát và tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Trồng chậu đất là cách trồng phổ biến nhất ở giống cây này.
8. Trầu bà khía
Cây trầu bà khía hay trầu bà chân vịt là loài cây có lá xẻ thùy chân vịt, mọc xen kẽ vòng quanh thân tạo nên tán cây hình tròn tự nhiên. Đặc biệt, lá non có màu xanh nhạt và chuyển đậm khi già. Cây thích hợp trồng bò lan trên giàn leo, tảng đá hoặc chậu đất. Trầu bà khía được nhiều người ưa chuộng và trồng thường trong chậu đất.
9. Trầu bà lá xẻ
Cây trầu bà lá xẻ là cây mọc theo bụi và chiều cao có thể lên đến 1m. Cây phân thành nhiều cành nhánh rậm rạp, lá có bản to mọc trên một cuống lá dài. Phần gốc tạo thành những tàu bẹ ôm lấy thân cây. Điểm đặc biệt là lá của trầu bà lá xẻ không liền mạch mà có các đường xẻ, chia lá thành các đường thùy khá đẹp mắt. Cây nên được trồng ở những nơi râm mát và ánh sáng yếu để lá không bị cháy nắng. Trầu bà lá xẻ được trồng theo phương pháp chậu đất là phổ biến và thường được đặt ở trong phòng khách, phòng làm việc.
10. Trầu bà thái
Lá trầu bà thái có hình dáng thuôn dài, một số lá có hình dáng giống trái tim nhưng rất ít và có màu dạ quang. Đây là loại cây đặc biệt bởi quanh năm lá giữ nguyên được màu sắc và sinh trưởng mạnh dù chỉ được trồng ở nơi ít ánh sáng. Nếu trồng theo cách thủy sinh, sẽ không cần phải chăm sóc nhiều mà chỉ cần thêm nước vào bể khi có dấu hiệu cạn dần.
11. Trầu bà Nam Mỹ
Cây trầu bà nam mỹ là loại cây thân leo, có kích thước lớn, chúng có rễ mọc lơ lửng trong không gian và cắm sâu trong mặt đất. Cây có lá màu lục thẫm, mặt lá bóng, phiến lá có thể dài lên đến 50cm, chia thùy dạng lông chim. Đặc biệt, trên bề mặt lá chia thùy với kích thước không giống nhau, phân bố dọc theo hai bên gân chính. Cây có thể trồng theo 2 phương pháp đó là trồng thủy sinh hoặc trồng đất. Trầu bà nam mỹ thường được đặt ở phòng ngủ, hành lang hoặc phòng khách để điều hoà không khí.
12. Trầu bà Phật
Cây trầu bà phật là cây thân thảo mảnh khảnh, có nhiều nhánh và mọc thành từng bụi nhỏ có chiều cao từ 70 – 150cm. Lá to, màu xanh sẫm, phiến lá bóng, dày. Lá xẻ thùy sâu như bàn tay và bẹ lá lớn ôm lấy thân. Lá cây trầu bà phật có hương thơm rất đặc trưng, nên có tác dụng điều hòa không khí tốt. Đặc biệt là ở những nơi không khí ít lưu thông. Loại cây này có thể sống trong môi trường nước rất lâu, vì vậy rất phù hợp để trồng theo cách thủy sinh. Trầu bà phật thường được đặt trong nhà khách, văn phòng để mang lại nhiều may mắn cho gia chủ.
13. Trầu bà cánh phượng
Trầu bà cánh phượng là cây rễ chùm, vô cùng cứng và khỏe. Thân cây thuộc loại thân gỗ, nhỏ nhưng dẻo dai. Lá của cây tập trung ở đầu cành, lớn thuôn dài nhọn ở đầu và chia thùy gần giống lông chim. Cuống lá dài, cứng, màu xanh đậm và gốc có bẹ ôm. Cây thích hợp trồng trong chậu đất và đặt ở những nơi râm mát.
14. Trầu bà Hoàng Gia
Cây trầu bà hoàng gia thuộc loại cây dây leo với những chiếc lá màu xanh bạc. Thân cây nhẵn, lá có hình trái tim hoặc bầu dục màu xanh lục và thêm chút màu trắng. Trầu bà hoàng gia trồng theo phương pháp thủy sinh hoặc trồng chậu đất đều thích hợp. Trầu bà hoàng gia rất thích hợp đặt ở phòng khách và phòng làm việc để không gian trở nên sinh động hơn.
15. Trầu bà hạnh phúc
Trầu bà hạnh phúc là cây dạng thân leo. Lá của cây lớn và khá dày màu xanh đậm, gợn sóng, gân nổi trên mặt lá. Cây trầu bà hạnh phúc thích hợp trồng thủy sinh hơn trồng chậu đất. Với hình dáng thân leo nên cây rất ưa chuộng dùng làm tiểu cảnh trên bàn làm việc và không gian phòng khách.
16. Trầu bà ngọc
Cây trầu bà ngọc là cây thân thảo, thân tròn mập có nhiều rễ, bò dài và buông thõng xuống. Lá dạng đơn màu xanh pha chút trắng, hình dáng gần giống trái tim ở gốc và thuôn dài ở đỉnh lá. Cây có nhu cầu nước khá cao nên có thể làm cây thủy sinh. Trầu bà ngọc không thể chịu được ánh nắng trực tiếp, nếu nắng quá gắt sẽ làm cho lá khô và chết trong thời gian ngắn. Phương pháp trồng chậu đất là cách trồng tốt nhất ở loại cây này và thường được treo ở ban công trước nhà.
17. Trầu bà đột biến
Trầu bà đột biến có lá bản to, xẻ, màu sắc được kết hợp giữa xanh và trắng rất độc đáo và ấn tượng. Mảng màu trắng có thể chiếm khoảng ½ hoặc hơn . Loại này có tốc độ phát triển nhanh và có xu hướng leo, bám cột. Cây thường được trồng trong chậu đất hơn vì cây thường được phát triển tốt và hợp thẩm mỹ hơn rất nhiều.
Cây trầu bà có tác dụng gì?
- Hấp thụ tia bức xạ điện từ: Trầu bà có khả năng hấp thụ tia bức xạ điện từ của các thiết bị như: sóng wifi, điện thoại, máy tính, tia bức xạ từ lò vi sóng,…
- Loại bỏ độc tố trong không khí: Lá cây trầu bà có khả năng hấp thụ các chất độc trong không khí như formaldehyde, toluene,trichloroethene, benzen và xylen giúp không khí trong lành hơn.
- Trang trí và làm sạch bể cá cảnh: Trầu bà có thể bén rễ trong nước, rễ của nó hấp thụ Nitrat ở trong nước để phát triển. Giúp nước trong bể sạch hơn và cho cá có được môi trường sạch để phát triển khỏe mạnh.
- Làm đẹp không gian sống: Trầu bà có tốc độ lớn khá nhanh, mà không cần tốn công chăm sóc nhiều. Lá cây xanh mượt, thân dây leo rễ bám có thể dựng khung làm hàng rào cây xanh trang trí, cây leo ban công, làm đẹp cho không gian sống.
- Làm quà tặng: Vì trầu bà nổi tiếng với tác dụng loại bỏ các khí độc hại trong không khí nên bạn có thể tặng nó cho bạn bè và người thân vào những ngày bình thường. Hoặc tặng trong dịp mừng thọ, sinh nhật, khai trương mang ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn, khỏe mạnh và một ý chí phấn đấu không ngừng.
- Làm thuốc trị bệnh thận: Sử dụng lá trầu bà là một lựa chọn tốt cho những bệnh nhân bị suy thận. Bài thuốc này đã được áp dụng từ rất lâu đời và mang lại nhiều kết quả điều trị rất tốt. Bạn có thể sử dụng lá trầu bà trị sỏi thận bằng các bước sau:
– Chọn 7 đến 10 lá trầu bà to rồi rửa sạch
– Thái nhỏ lá và bỏ vào nồi với nước đun tầm 15 – 20 phút
– Uống khi thuốc đã nguội và uống liên tục trong vòng 10 ngày
Ý nghĩa cây trầu bà
Ý nghĩa của trầu bà với môi trường
Trầu bà là loại cây có khả năng hút đi những khí độc thải ra từ khói xe, xăng xe, bức xạ điện tử như máy tính, sóng điện thoại. Chính vì vậy, cây trở thành không thể thiếu trong không gian làm việc và không gian sống.
Đặc biệt, với những căn phòng ngủ có diện tích nhỏ chỉ từ 10m2 đến 15m2. Việc đặt hoặc treo trầu bà trong phòng sẽ giúp điều hoà sinh thái rất tốt.
Ý nghĩa của trầu bà trong phong thủy
Trong phong thủy, trầu bà tượng trưng cho nguồn năng lượng dồi dào, sức sống mãnh liệt, bền bỉ. Loài cây này còn có tác dụng chiêu vượng tài lộc, mang đến may mắn cho chủ sở hữu.
Cách trồng trầu bà
Cách trồng trầu bà bằng phương pháp giâm cành
Trồng trầu bà theo bằng cách giâm cành là cách làm dễ dàng và phổ biến nhất. Đầu tiên, bạn chọn một đoạn thân cây rồi cắt dài khoảng 15cm có phần đốt rễ, sau đó để phần gốc khô rồi giâm vào nơi đất ẩm. Tưới nước dạng phun sương 2 ngày một lần. Chỉ sau vài ngày sau là cây sẽ bắt đầu ra rễ mới và sinh trưởng tốt. Mùa thích hợp để giâm cành là mùa xuân hoặc mùa hè.
Cách trồng trầu bà thủy canh
Chuẩn bị chậu rồi đổ nước và ít dung dịch dinh dưỡng vào trong. Sau đó, cắt một đoạn trầu bà dài khoảng 10 đến 15cm ở phần đốt thân có lá và rễ. Rửa sạch rễ sau đó bỏ vào bình hoặc bể cá cảnh. Nhúng ngập phần rễ vào bình sau đó để cây ở nơi thoáng mát, nhiệt độ từ 20 đến 28 độ C để cây dễ phát triển dễ và mau ra nhánh mới.
Cách chăm sóc cây trầu bà
Dù trầu bà có sức sống tốt và không cần chăm sóc quá nhiều. Nhưng bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đất trồng
Trầu bà thích hợp với loại đất trồng màu mỡ, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng và có độ ẩm ướt nhất định để tránh cho cây bị thối rễ. Bạn cũng có thể dùng hỗn hợp đất trồng trộn với than củi để lâu ngày. Hoặc phân chuồng mục để giúp cây phát triển được tốt hơn.
Ánh sáng
Trầu bà thuộc cây ưa bóng, thích ánh sáng buổi sáng, vì vậy bạn không nên để cây tiếp xúc hoàn toàn với ánh nắng mặt trời. Tránh để trầu bà sau cửa kính do sự hấp thụ nhiệt sẽ làm lá bị héo. Khi đặt cây trong những không gian kín, bạn nên để tắm nắng từ 20 – 30 phút vào buổi sáng. Để quá trình quang hợp của cây không bị ảnh hưởng. Một lưu ý nhỏ là khi lá cây chuyển sang màu vàng nhạt thì có thể là cây đang được nhận quá nhiều ánh nắng. Khi đó bạn cần có những điều chỉnh về vị trí của cây sao cho phù hợp.
Tưới nước
Là loại cây dễ chăm sóc, có nhu cầu tưới nước ở mức trung bình. Vào thời tiết hè nóng bức, hanh khô bạn nên tưới nước từ 1 – 2 lần/ ngày và chỉ nên tưới vừa đủ ẩm cho đất chứ không nên tưới đậm. Khi thời tiết mát mẻ thì không cần tưới hàng ngày mà chỉ cần cách 3 – 4 ngày tưới 1 lần là được.
Ngoài ra, đối với trầu bà được trồng thủy sinh phải thay nước 1 tuần/ lần hoặc thay nước khi thấy nước bể đã bị váng đục.
Nhiệt độ
Nhiệt độ cũng là yếu tố cần thiết mà bạn cần quan tâm khi chăm sóc cây trầu bà. Khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm ở nước ta hoàn toàn thích hợp với loại cây này. Nhiệt độ trung bình để cây phát triển tốt nhất là từ 20 độ C đến 28 độ C.
Ngoài ra cây còn thích hợp trong nhiệt độ phòng bình thường và trong không gian máy lạnh. Do đó, bạn hãy nên chú ý đến yếu tố nhiệt độ, để có phương pháp chăm sóc cây hợp lý.
Dinh dưỡng
Trầu bà có thể sống tốt mà không cần bổ sung nhiều dinh dưỡng, bạn có thể bón thêm phân cho cây mỗi 6 tháng. Nếu trồng thủy sinh, bạn chỉ cần thay nước đều đặn 2 tuần/ lần, thậm chí không cần thêm nhiều dung dịch dinh dưỡng vào chậu.
Sâu bệnh
Trầu bà ít bị sâu bệnh, tuy vậy vẫn có thể bắt gặp một số loại sâu hại trên lá cây như: sâu, rệp,.. Khi xuất hiện những loại sâu hại này, bạn có thể dùng bông hoặc khăn nhúng rượu có nồng độ cao để diệt trừ. Trường hợp cây bị thối rễ, bạn nên bổ sung thuốc kích thích ra rễ cho cây, xới đất và không để cây ở nơi quá ẩm ướt. Bạn nên thường xuyên loại bỏ lá vàng, để cây tránh được sâu bệnh.
Có thể bạn quan tâm: Hoa Cẩm Tú Cầu
Thông tin thêm
1. Có nên trồng trầu bà trong nhà không?
Cây trầu bà là một trong những loại cây cảnh mang giúp không khí trong lành và nâng cao thẩm mỹ hơn cho ngôi nhà của bạn. Trầu Bà giúp không gian trở nên trong lành, thoải mái và làm đẹp cho ngôi nhà, văn phòng và không gian sống của gia đình bạn.
Không những thế, trầu bà có khả năng hút chất độc từ không khí. Loại bỏ các khí độc thải ra từ khói thuốc, xăng xe, bức xạ từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi, tủ lạnh. Đó là lý do tại sao nhiều gia đình lựa chọn đặt loại cây này trong nhà.
Đặt trầu bà trong nhà mang ý nghĩa về phong thủy rất lớn. Cây mang đến nhiều may mắn và tài lộc cho gia chủ. Nhiều gia đình trồng cây này trong nhà để tránh được những điều không may hoặc thị phi trong cuộc sống. Những người mệnh Mộc, họ xem loại cây này là quý nhân phù trợ mang đến tài lộc và may mắn cho gia chủ trong cuộc sống và sự nghiệp. Nếu đặt ở văn phòng, trầu bà thích hợp cho những người lãnh đạo và quản lý, góp phần thể hiện ý chí không ngừng vươn lên đỉnh cao.
Với những lợi ích đã nói ở trên, cây trầu bà chắc chắn sẽ là loại cây cảnh mà bạn nên trồng trong nhà, đặt trên bàn làm việc và ở ban công nhà. Tuy nhiên, khi trồng trầu bà trong nhà bạn cũng nên lưu ý đến những cách chăm sóc hợp lý, để giúp cây phát triển tốt.
2. Cây trầu bà có độc không?
Mặc dù, cây trầu bà mang lại nhiều lợi ích trong việc làm sạch không khí, nhưng đây là loại cây có độc. Điều khiến trầu bà có độc là do các tinh thể canxi oxalat không hòa tan chứa trong lá và thân của chúng. Những tinh thể này giống như những mảnh thủy tinh nhỏ sẽ đâm xuyên qua và gây kích ứng cục bộ cho da khi chạm vào, miệng và đường tiêu hóa khi nhai hoặc nuốt. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nuốt phải một phần của trầu bà cũng có thể gây sưng đường hô hấp trên, gây khó thở.
Tất cả các bộ phận của cây này đều độc nếu ăn phải, vì vậy hãy hết sức cẩn thận và đảm bảo tránh xa vật nuôi và trẻ em. Trong trường hợp vô tình nuốt phải, bạn cần gọi cấp cứu ngay để được hỗ trợ.
Khi biết được loại cây này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, bạn cần đặt cây ở những vị trí an toàn. Những nơi tuyệt vời để giữ những cây này là trên giá sách, treo trên trần nhà hoặc thậm chí trên giá cây cao.
Cây VẠN NIÊN THANH (TRẦU BÀ) trồng trong nhà, bàn làm việc, ban công, sân vườn
Combo 4 cây trầu bà ( cây trầu bà lỗ + trầu bà nhung + trầu bà hồng + trầu...
Cây Trầu Bà Cột Giả Cao 1M6
3. Giá cây trầu bà có đắt không?
Trên thị trường hiện nay, giá của cây trầu bà không quá đắt, dao động từ 100.000 – 500.000 đồng tùy loại cây. Tuy nhiên, giống cây trầu bà đột biến có giá rất cao lên đến hàng tỷ đồng, bởi vẻ đẹp độc lạ của loài cây này.
Với giá thành như vậy, bạn có thể dễ dàng chọn cho mình nhiều loại trầu bà để trang trí cho ngôi nhà của mình.
Cây trầu bà là loại cây cảnh đẹp, có nhiều tác dụng tốt với sức khoẻ con người. Cách trồng và chăm sóc chúng cũng tương đối đơn giản. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến loại cây này thì có thể bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chọn chúng làm cây trang trí trong nhà. Với những thông tin trên, hy vọng Review Chuẩn đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Theo dõi thêm nhiều bài viết hay khác tại: Reviewchuan.vn, bạn nhé!