Lan Kiếm là một loài địa lan được trồng rất phổ biến tại Việt Nam. Nó không những có nhiều công dụng tuyệt vời mà còn mang một vẻ đẹp cực kì cuốn hút.
Tìm hiểu về cây lan Kiếm
Tên khoa học, nguồn gốc
Lan Kiếm có tên khoa học là Finlaysonianum, họ Cymbidium. Lan một loại hoa bắt nguồn từ những vùng Đông Á, và thường được trồng ở những khu rừng nhiệt đới tại Việt Nam, Nhật Bản, Philippines,…
Đây là một loại hoa mang vẻ đẹp rất khác biệt bởi sự lộng lẫy và kiêu sa của chính nó. Vì vậy, nhiều người thường sử dụng chúng để trang trí nhà cửa hoặc làm quà tặng. Bởi những ý nghĩa sâu xa, như thay lời muốn nói đến người nhận của loài hoa này.
Đặc điểm cây
Rễ
Rễ cây là dạng rễ chùm, kích thước từng cọng to gần bằng đầu chiếc đũa, đầu rễ thường sẽ có màu trắng hoặc màu trắng tím. Những cọng rễ vừa riêng lẻ mọc lan xung quanh đất trồng, vừa trú ngụ và phát triển trong những múi sơ dừa để hấp thụ chất dinh dưỡng.
Thân
Thân cây thường có chiều dài 60 – 70 cm, rộng khoảng 4 – 5 cm, có màu xanh mượt từ gốc đến ngọn. Bộ phận này khá mềm nhưng lại làm điểm tựa cho cả cây rất chắc chắn.
Lá
Lá của cây cứng, có hình khá giống với hình lưỡi kiếm, dày và vươn thẳng ra ngoài. Ngoài ra, lá cũng sẽ thay đổi theo điều kiện của thời tiết và môi trường sống. Chẳng hạn ở những nơi có ít ánh sáng và độ ẩm tốt, lá sẽ có bản to, dài màu xanh đậm. Ngược lại, những nơi nhiều ánh sáng lại ít nước, lá sẽ bị nhỏ, ngắn hơn và hơi ngả về màu vàng.
Hoa
Hoa thường mọc ở nách lá, mọc thành chùm dài khoảng 80 – 90 cm. Kích thước mỗi bông khá lớn khoảng 5 – 6 cm. Một chùm có thể nhiều đến 50 bông, mỗi chùm mọc theo hướng buông rủ xuống đất. Khi nở, hoa có một mùi thơm thoang thoảng, dịu dàng, không gắt rất dễ chịu.
Hoa Lan Kiếm thường nở rất rực rỡ ở những khu vực có nhiều ánh sáng. Mỗi lần nở, cây cho ra 2 – 3 cành và một năm có thể ra hoa đến 3 lần.
Các loại lan kiếm phổ biến
1. Lan Kiếm Tiên Vũ
Lan Kiếm Tiên Vũ là một loại lan rừng đẹp, có tên khoa học là Cymbidium Tricolo Miq.1864. Đây là loài có kích thước lớn và cành hoa dài nhất trong tất cả. Mỗi cành dài 70 – 100 cm, vươn thẳng. Lá dày, rộng khoảng 6 – 7 cm và dài có thể hơn 1m. Củ to, có kích thước lên đến 5 – 6cm.
Hoa của lan Kiếm Tiên Vũ thường dài từ 60cm đến hơn 1m, nhưng hoa thưa chỉ khoảng 25 – 30 bông. Mỗi bông nở ra có kích thước khoảng 3 – 4 cm với một mùi thơm nhẹ nhàng, hoa thường nở vào mùa hè và mùa thu.
2. Lan Kiếm Lô Hội
Lan Kiếm lô hội có tên khoa học là Cymbidium Intermedium H.G.Jones 1974. Đây còn được xem là một loại thạch lan hoặc phong lan, sống chủ yếu ở các vùng phía Bắc. Lá nhỏ, dày, rộng tầm 4cm, dài tới 70 cm, mọc vươn thẳng ra phía trước. Củ có kích thước nhỏ, chỉ khoảng 3cm.
Hoa thường nở vào mùa xuân khoảng từ tháng 1 – 4 hằng năm. Chùm hoa dài khoảng 60cm, gồm hơn 40 bông chụm lại. Hoa có kích thước chỉ tầm 3cm, nở trong vòng 3 – 4 ngày, mùi thơm dịu. Các cánh hoa có thêm vài sọc đỏ nâu, độ đậm nhạt hoặc dày mỏng của sọc những này tùy theo từng loại giống được lai tạo.
3. Lan Kiếm Dừa
Kiếm Dừa còn có tên khác là Cymbidium Atropurpureum (Lindl.) Rolfe 1903, hay còn được gọi là lan Kiếm treo. Lá cứng, dày và dài tới 1m nhưng bản nhỏ, khoảng 1 – 2 cm. Cành hoa ngắn dài tầm 40cm, hoặc có một số cành dài đến 60cm.
Hoa cũng thường nở vào dịp xuân, trong khoảng 4 – 5 ngày. Chùm hoa ngắn hơn các loài khác, dài khoảng 40cm, và chỉ gồm 15 – 20 bông chụm lại. Khi nở, hoa tỏa mùi hương thơm giống kẹo dừa nên thường được gọi là Kiếm dừa.
4. Lan kiếm hai màu
Kiếm hai màu còn có tên khác là Cymbidium Bicolor Lindl.1983. Giả hành (có thể hiểu là mắt ngủ nằm ở gốc, có nhiệm vụ dữ trữ nước và chất dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo sự phát triển của những loài lan đơn thân) không lớn, tròn hoặc giống như giọt lệ. Lá cũng giống các loài lan khác như: cứng, dày, rộng 3cm, dài đến 70cm.
Kiếm hai màu thường ra hoa vào mùa xuân. Hoa có 2 màu chính: viền vàng và nâu đỏ. Chùm hoa cũng dài gần đến 70cm, cong thòng xuống, gồm 30 bông chụm lại nhau, mỗi bông có kích thước khoảng 4cm. Đặc biệt, loại lan này có thể dựng đứng được, mà không chỉ thòng xuống như các loại khác.
Các loại lan kiếm đột biến nổi tiếng
1. Lan Kiếm Xanh Huế
Kiếm Xanh Huế là một loại lan rất đặc biệt. Lá có màu xanh nõn, dài 7cm. Khi hoa nở, lan tỏa một mùi hương thanh mát và dễ chịu. Những cánh hoa màu xanh cốm kết hợp với lưỡi hoa có 3 thùy màu trắng tinh khôi. Cần hoa dài, và dày, hoa được phân bố đều buông rũ xuống một cách rất duyên dáng.
Sau vài ngày hoa nở, ánh màu xanh của cánh hoa sẽ dần biến mất và từ từ chuyển sang màu vàng nhạt. Ở những nơi nhiều nắng và gió, hoa sẽ càng chuyển sang màu vàng đậm hơn.
2. Lan Kiếm Hoàng Long
Kiếm Hoàng Long được xem như “vua” trong các loài còn lại. Ngoài tên Hoàng Long, nó còn có nhiều tên khác như: Thượng Phương Bảo Kiếm, sư phụ,..
Kiếm Hoàng Long có mùi thơm khá gắt, với một màu vàng sáng rực rỡ. Các cánh hoa xếp cân đối và vừa khít với nhau khi vừa chớm nở. Cần hoa dài, thẳng, phân bố đồng đều giữa các vùng, buông xuống tựa như một chuỗi ngọc trai. Khoảng thời gian hoa nở đẹp nhất là từ lúc 8 – 12 giờ khi cánh hoa cuộn lại và chuyển sang màu vàng đậm hơn. Lúc này, bạn sẽ thấy hoa đẹp một cách rất khác, rất kì diệu.
3. Lan Kiếm Vàng Củ Chi
Đây là loài được xem như cây kiếm quý “ Trấn Môn”, được tìm thấy ở Củ Chi – Một vùng đất ở tại ngõ Tây Bắc của Sài Gòn.
Kiếm vàng Củ Chi có mùi thơm nhẹ, không gắt như Kiếm Hoàng Long. Khi nở, cánh hoa sẽ bung thẳng, lưỡi có hình trái tim. Hoa có màu vàng rực rỡ, điểm thêm màu trắng pha với chút hồng, có chút ánh vàng ở giữa lan đến trụ nhuy. Cần hoa khỏe, dài, từng bông hoa kết lại với nhau thành từng chùm một rất bắt mắt.
4. Lan Kiếm Vị Hoàng
Kiếm Vị Hoàng có thùy xanh ở đầu lá, dưới bẹ lá có có nhiều gân chi chít, bản lá vừa (dưới 5cm), cứng nhưng không dày, vươn thẳng không cong. Khi ra bông, hoa có mùi thơm thoang thoảng, đài nhị của hoa sạch sẽ, không có phấn. Thùy chính giữa mọc thẳng ra cùng với một vài chấm hoa nhiều màu sắc. Hai thùy bên cạnh có màu mắm, tô điểm thêm cho nhụy vàng óng ánh. Cần hoa xanh biếc, thẳng tắp và phân đều các bông ra với nhau.
Mỗi lần nở, hoa sẽ cho ra các hoa văn khác nhau tùy mùa. Đầu nhụy rất sạch, cuống nhụy thì thường thay đổi, pha thêm chút màu sẫm.
Tác dụng của hoa lan kiếm
Trang trí không gian
Chắc chắn đây là một công dụng không thể thiếu đối với loài hoa này. Bạn có thể dùng lan Kiếm như lan quân tử để trang trí góc học tập, bàn làm việc, bàn sofa,… rất nhiều vị trí khác nhau ở trong nhà. Không chiếm quá nhiều không gian, nhưng lại là điểm nhấn vô cùng đặc biệt. Làm cho ngôi nhà của bạn trở nên đẹp mắt và cuốn hút hơn bao giờ hết.
Làm thuốc chữa bệnh
Ngoài công dụng chủ yếu là để trang trí và làm đẹp. Mỗi bộ phận của hoa này còn có thể sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Rễ được điều chế làm các bài thuốc trị ho, bổ phổi. Phần lá sẽ được sử dụng trong các bài thuốc lợi tiểu. Và cuối cùng, phần hoa có chứa một số chất tốt cho mắt nên cũng thường được sử dụng trong các sản phẩm nước rửa mắt.
Làm quà tặng đối tác, người thân, bạn bè
Với những ý nghĩa từ các màu sắc khác nhau, Lan Kiếm được xem là một món quà đặc biệt để gửi lời chúc hoặc lời nhắn nhủ đến đối tác, người thân hoặc bạn bè. Tuy không phải là một món quà có giá trị vật chất cao, nhưng lại mang đến giá trị tinh thần lâu dài.
Ý nghĩa lan Kiếm
Hoa lan Kiếm hiện nay đã được lai tạo thành nhiều giống khác nhau nên sẽ có đa dạng các màu sắc và kiểu dáng. Màu nào cũng đẹp nhưng mỗi màu lại chứa đựng những ý nghĩa riêng. Cụ thể là:
- Màu trắng: biểu đạt cho sự trong trắng, thuần khiết và rất thanh cao
- Màu trắng ngà: mang ý nghĩa cho sự duyên dáng, nữ tính và rất thanh nhã
- Màu vàng: thể hiện cho sự rực rỡ, sang trọng, mang đến một nguồn năng lượng dồi dào
- Màu xanh lá: tượng trưng cho sự mới mẻ, tươi tắn và tràn đầy sức sống
- Màu đỏ, hồng: mang vẻ đẹp kiêu sa, quyền lực, lộng lẫy và vô cùng quyến rũ
- Màu tím: đại diện cho sự say đắm, mơ màng và thủy chung
- Màu tía: thể hiện sự cuốn hút, đằm thắm và chân thành
- Màu đen: tượng trưng cho vẻ đẹp bí ẩn, trang trọng và ấn tượng
- Nhiều màu kết hợp: đây là loài được lai tạo với nhiều màu sắc khác nhau đem đến sự phú quý, phồn vinh và vô cùng tráng lệ
Cách trồng lan Kiếm
Chuẩn bị vật liệu trồng
Bạn nên chọn loại cây giống sống trên 3 năm tuổi, khỏe mạnh, không mắc các loại sâu bệnh. Các dụng cụ cần dùng gồm: giá thể trồng (mùn, đá sỏi, than xỉ,…) dao, kéo, thuốc khử trùng và chậu để trồng.
Chọn chậu trồng lan kiếm
Bạn nên chọn những loại như: chậu đất nung có phần đáy sâu hoặc chậu treo tường có nhiều lỗ,… Vì đây là những loại chậu có không gian rộng, thoáng đãng, giúp lan dễ sinh trưởng và phát triển tốt.
Chú ý: Tránh chọn những chậu cây không có chỗ thoát nước và thoát khí. Điều này sẽ làm cây chậm phát triển và có thể dẫn đến chết cây.
Chọn giá thể trồng lan kiếm
Đây là một khâu vô cùng quan trọng, quyết định gần như tối đa việc trồng thành công lan hay không. Bạn nên chọn những giá thể như: một cục than xỉ, bùn đã phơi khô hoặc miếng xốp nhỏ. Nếu không có loại giá thể này, bạn cũng có thể dùng: đất ao bùn, mùn dừa cùng với đá sỏi hay vỏ lạc hun,..
Kỹ thuật trồng
- Bước 1: Bạn bắt đầu tắt tách từ cây mẹ, tách khoảng 3 nhánh ở mỗi khóm lan. Sau đó, dùng dao hoặc kéo để cắt bỏ các phần rễ khô, hư thối và những lá đã bị úa vàng
- Bước 2: Sử dụng thuốc sát trùng để bôi vào vết cắt mới tách, và bảo quản giống trong chỗ râm mát khoảng 1 ngày
- Bước 3: Bạn bón dưới lớp đáy chậu 1 lớp xỉ than, hoặc mút xốp, rồi sau đó rải phần giá thể đã được chuẩn bị lên trên. Rải lớp giá thể này dày khoảng tầm 7- 8 cm là được
- Bước 4: Đem khóm lan lại và đặt từ từ vào giữa chậu, sau đó rải nhẹ nhàng nốt phần giá thể còn lại vào xung quanh rễ cây
- Bước 5: Hoàn tất quá trình này bằng cách dùng bình xịt tưới cây tưới đẫm nước lên lan, di chuyển nhẹ nhàng và đặt cây vào vị trí râm mát. Điều này sẽ giúp duy trì độ ẩm cho cây và tránh nắng chiếu xuống trực tiếp giúp cây nhanh bắt rễ và phát triển.
Cách chăm sóc lan Kiếm
Điều kiện ánh sáng
Để cho ra được những chùm hoa đẹp thì ánh sáng là một yếu tố rất quan trọng trong việc trồng lan. Vào những buổi sáng sớm, bạn có thể đem cây ra tắm nắng khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ. Sau khi nắng bắt đầu gắt hơn, thì bạn che lưới lại chỉ để khoảng 70% ánh sáng là được.
Ngoài ra, cách giúp bạn nhận biết được là lan có hấp thụ ánh sáng hay không hay có bị thiếu, dư gì không là bạn quan sát vào lá. Khi lá dài, xanh mướt, bản to, dày thì cây đã nhận được đủ ánh sáng. Trái lại, lá ngắn, bản to, nhưng màu lá dần chuyển sang màu vàng thì cây đang bị thừa nắng. Cuối cùng, nếu lá dài, nhưng bản lá nhỏ, xanh nhạt, không có độ bóng bẩy thì cây đang bị thiếu nắng.
Điều kiện nhiệt độ
Đối với loại lan này, nền nhiệt độ phù hợp nhất là khoảng 25 – 30 độ C, tối đa là 34 độ C và tối thiểu là 14 độ C. Tránh những nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp và nhiệt độ quá cao sẽ làm cây dễ chết.
Thời điểm lan ra hoa, nhiệt độ thích hợp nhất vào ban ngày là 20 – 22 độ C, ban đêm là 9 – 10 độ C. Ở nhiệt độ thích hợp sẽ làm cho hoa nở nhanh, đẹp và lâu tàn.
Chế độ tưới nước
Lượng nước tưới
Lan Kiếm là một loài không cần chế độ nước quá nhiều, bạn cũng không cần làm giá thể ẩm ướt liên tục. Do đó, trước khi tưới, bạn nên kiểm tra trước giá thể, xem liệu nó còn ẩm hay không, nếu còn thì không cần tưới thêm cho cây và ngược lại. Bởi vì, nếu bộ rễ cứ luôn trong trạng thái ẩm ướt sẽ khiến cây rất dễ bị nhiễm sâu, bệnh hại.
Cách tưới
Bạn nên tưới tối đa 2 ngày/ 1 lần và tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Và lưu ý, điều chỉnh lượng nước cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây. Ví dụ: khi cây đang phát triển, mọc nhánh thì lúc này cây cần lượng nước nhiều hơn. Ngược lại, khoảng thời gian khi hoa bắt đầu nở, tất cả bộ phận đều phát triển hoàn chỉnh thì cần phải giảm lượng nước lại.
Bón phân
Bạn có thể sử dụng cả hai loại phân bón: hữu cơ và vô cơ cho Lan Kiếm. Tuy nhiên, phân bón vô cơ phải đảm bảo sạch, chất lượng như: phân trùn quế, phân mùn dừa,… để tránh gây xót và phát sinh các mầm bệnh. Đối với phân bón vô cơ, bạn bón với lượng ít, tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.
Chẳng hạn, ở thời kì đang phát triển, bạn nên bón phân NPK giàu đạm. Còn ở thời điểm trước khi ra hoa, bạn dùng các loại phân khác miễn là có nhiều hàm lượng Kali và Photpho là được.
Cách phòng trừ sâu bệnh
Các công đoạn chăm sóc, tưới nước,.. rất quan trọng. Tuy nhiên, việc phòng trừ sâu bệnh cũng không kém cạnh gì. Bạn nên thường xuyên cắt tỉa cây, trông nom xem cây có mầm bệnh nào không như: vàng lá, sâu xanh, rầy,… để kịp thời phun thuốc bảo vệ thực vật giúp tránh tối mầm bệnh lây lan nhanh và dẫn đến chết cây.
Thông tin cho bạn
1. Lan kiếm có ăn được không?
Có rất nhiều bạn nghĩ rằng Lan Kiếm không ăn được. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học thì loài phong lan này có thể ăn được. Bộ phận ăn được là lá và củ. Cụ thể: Ở Bhutan trong số rất nhiều loài lan có sẵn, thì Lan Kiếm là một món ngon. Trong ngôn ngữ địa phương, nó được gọi là ‘Olachotho’ và được bán trên thị trường địa phương trong các tháng từ tháng 8 đến tháng 10. Ngoài ra, cụm hoa hoặc hoa là phần ăn cũng có thể ăn được. Tuy nhiên, điều này không phổ biến cho lắm.
2. Hình ảnh hoa lan Kiếm đẹp
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về hoa lan Kiếm – Loài cây đến nhiều công dụng lại còn rất dễ trồng. Nếu yêu thích loại cây này thì hãy sắm ngay một chậu để trưng trong nhà ngay thôi nào! Review Chuẩn chúc bạn sẽ trồng được một chậu lan đẹp và lâu tàn như mong muốn nhé.