Hoa hồng – loài hoa được mệnh danh là nữ hoàng của các loại hoa, là biểu tượng của tình yêu. Nó có thân đứng hoặc mọc leo, thân cây có gai nhọn, hoa rất thơm và có nhiều màu sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng, hồng. Quen thuộc là vậy, nhưng bạn đã biết cách trồng và chăm sóc hoa hồng đúng chuẩn hay chưa? Nếu chưa, hãy theo dõi ngay bài viết này nhé!
1. Cách trồng hoa hồng đúng kỹ thuật
Khi trồng hoa hồng, bạn cần lưu ý 3 vấn đề: chọn giống hoa, chọn đất trồng và chọn nơi trồng. Bạn cần chọn lựa thật kỹ để có cơ sở cho hoa hồng phát triển thật tốt.
Chọn giống hoa hồng
Đối với trồng cây, bước chọn giống hoa hồng là điều vô cùng quan trọng. Nếu giống không tốt, cây hoa sẽ sống còi cọc, ra hoa xấu, thậm chí không thể nảy được mầm. Bạn nên chọn giống tốt để thuận lợi hơn trong việc chăm sóc hoa hồng khi lớn.
Hoa hồng chiết cành
Chiết cành hoa hồng là một phương pháp phổ biến khi trồng, đầu tiên, phương pháp này tách cành cây ra khỏi cây mẹ. Sau đó, trồng thành cây mới, giúp rút ngắn thời gian phát triển của cây trồng. Cách trồng hoa hồng này phù hợp với những vườn hoa hồng lớn, giúp chủ vườn tiết kiệm chi phí mua giống.
Trước hết, muốn cây con cứng cáp khỏe mạnh, bạn cần chọn cây hoa hồng mẹ khỏe mạnh, hoa đẹp, không có sâu, sức sống bền bỉ,…. Sau đó cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để chiết cành: dao, kéo, băng nhựa để quấn cây. Có 2 cách để chiết cành, cụ thể:
Cách 1: Chiết cành cùng bầu đất
- Bước 1: Bạn cần chọn một cành cây có đủ các yêu cầu sau: độ to của thân cành gần bằng cái đũa, cành mọc gần sát gốc. Sau đó, cắt bớt cành đi sao cho chỉ dài khoảng 15cm tính từ gốc
- Bước 2: Tại thân cây mẹ, dùng dao bóc 1 đoạn vỏ dài tầm 3 đến 4cm tại nơi muốn cắt
- Bước 3: Lấy đất trồng bọc kín xung quanh nơi vừa bóc vỏ tạo thành bầu đất. Sau đó lấy băng nhựa quấn quanh nơi đó thật chặt và kín tránh để nước chảy vào làm hỏng bầu đất
- Bước 4: Đúng 21 ngày sau, bạn dùng kéo cắt cành chiết ra khỏi cây để mang đi trồng và chăm sóc
Cách 2: Chiết cành truyền thống
- Bước 1: Tương tự như bước 1 của cách chiết cành cùng bầu đất
- Bước 2: Tại thân cây mẹ, dùng dao bóc 1 đoạn vỏ dài tầm 2cm tại nơi muốn cắt
- Bước 3: Uốn cong cành sao cho nơi vừa bóc vỏ chạm đất hoặc vùi hẳn xuống đất, sau đó đắp một ít đất lên trên
- Bước 4: Dùng que tre cắm thẳng xuống đất rồi cố định cành cây vừa chiết vào que tre. Việc này giúp cành cây không bị đổ hay mọc sai vị trí
- Bước 5: Từ ngày thứ 40, kiểm tra xem chỗ chiết đó đã mọc rễ đạt yêu cầu chưa. Khi rễ mọc đạt yêu cầu, bạn dùng kéo cắt cành đó ra rồi mang đi trồng
Lưu ý khi trồng cây với biện pháp chiết cành
- Đợt hoa nở đầu tiên sau khi chiết cành thường không được đẹp, bạn nên cắt đợt hoa đó đi để nuôi cây và chờ đợt sau
- Bạn nên cắm bằng que tre để cây chắc chắn hơn giúp cây không bị đổ hoặc gãy
- Khoảng 10 ngày đầu, bạn không nên tưới nhiều nước, tưới ít nước đủ để đất ẩm là được
- Bạn nên để cây lúc chiết ở nơi thoáng mát
Hoa hồng ươm sẵn
Ngoài cách chiết cành, cách trồng hoa hồng ươm sẵn được nhiều người sử dụng hơn bởi nó ít tốn thời gian hơn. Với phương pháp này, bạn sẽ được bỏ qua giai đoạn gieo hạt, ươm mầm mà tới ngay giai đoạn chăm sóc hoa hồng. Việc của bạn chỉ là đi chọn giống cây rồi mang về trồng, lưu ý nên để ý các đặc điểm sống của cây để tránh cây bị còi cọc sau này.
Cách trồng hoa hồng này cũng rất dễ, chỉ có 3 bước đơn giản:
- Bước 1: Sau khi mua cây về, việc đầu tiên là tháo lớp bọc bên ngoài bầu của cây. Sau đó, đặt cây hoa hồng thẳng đứng trong chậu, nhớ lót 1 ít sỏi dưới đáy để dễ thoát nước hơn. Tiếp đến lấy đất lấp đầy những chỗ hổng giữa chậu và cây
- Bước 2: Dùng que tre cắm xuống đất, cố định thân cây buộc vào que tre để tránh bị gãy cây do rễ vẫn còn yếu
- Bước 3: Tưới nhẹ cho cây một ít nước
- Lưu ý: Để cây tại nơi có bóng râm. Đến khi cây sống tốt tại đất mới thì để chậu ở nơi thoáng mát, có nắng.
Hoa hồng rễ trần
So với 2 phương pháp trồng hoa hồng bên trên, phương pháp trồng hoa hồng rễ trần được nhiều người sử dụng hơn bởi thời gian và cách trồng nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên trồng hoa hồng rễ trần vào những mùa mát hoặc mùa lạnh, không nền trồng vào mùa nóng. Lý do là cây sẽ dễ bị sốc nhiệt, khó sống được, gây cản trở cho việc chăm sóc hoa hồng của bạn.
Cách trồng hoa hồng này khá là đơn giản:
- Bước 1: Kiểm tra và cắt bỏ những cành xấu, cành úa, khô,.. chỉ giữ lại những cành tươi tốt
- Bước 2: Ngâm cây với dung dịch chống nấm để phòng ngừa bệnh nấm ở cây
- Bước 3: Đặt cây vào trong chậu, lấp đất vào phần trống giữa cây và chậu. Sau đó cố định cây với que tre để tránh cây bị gãy, đổ
Lưu ý: Trong tháng đầu tiên, bạn không nên bón phân vô cơ cho cây và tưới dung dịch kích rễ 1 tuần 1 lần. Trong khoảng thời gian đầu mới trồng, bạn nên để cây ở nơi thoáng mát. Khi rễ cây phát triển cứng cáp, bạn có thể đem cây ra phơi nắng.
Hạt giống hoa hồng
Trong 4 cách trồng hoa hồng, cách trồng bằng hạt giống hoa hồng là phương pháp có nhiều bước nhất. Nhưng khi trồng cây bằng cách này, chúng ta có thể theo dõi và đồng hành cùng cây qua từng giai đoạn phát triển.
Trồng cây hoa hồng bằng hạt giống bao gồm 2 giai đoạn gieo hạt và trồng cây, cụ thể:
Giai đoạn gieo hạt
- Bước 1: Rắc đều hạt lên chậu chứa đất trồng cây rồi phủ 1 lớp đất mỏng lên trên hạt
- Bước 2: Tưới 1 ít nước hoặc tốt nhất là nên phun sương để tránh hạt bị trôi mất hoặc bị úng
- Bước 3: Đặt chậu gieo hạt vào nơi thoáng mát.
Cách trồng cây
Sau khi gieo hạt được khoảng 4 đến 7 ngày, cây sẽ nảy mầm. Đợi đến khi cây mọc được 3 lá là có thể chuyển cây sang chậu khác để trồng. Khi trồng nhớ để cây thẳng, có thể dùng que tre nhỏ để cố định cây.
Một số lưu ý khi trồng cây
- Nên bắt sâu ăn lá và sên cho cây thường xuyên
- Giữ cho đất trồng luôn ẩm
- Thường xuyên loại bỏ lá héo khỏi cây
- Bón phân cho cây thường xuyên
Chọn đất trồng hoa hồng
Hoa hồng tuy là một loài cây rất dễ trồng, nhưng muốn nó phát triển thật tốt bạn nên lựa chọn loại đất tơi xốp để trồng cây. Đất tơi xốp rất thông thoáng, giúp cung cấp oxi cho hạt giống hay cây trồng phát triển nhanh hơn. Không những thế đất tơi xốp còn giúp cho cây dễ thoát nước, không bị úng nước làm chết cây.
Chọn nơi trồng
Việc chọn nơi trồng hoa hồng tùy thuộc vào nơi bạn sống và sở thích của bạn. Có 2 nơi chủ yếu là trồng trong chậu hoặc trồng tại vườn. Mỗi nơi đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, cụ thể:
Trồng hoa hồng trong chậu
Các ưu điểm:
- Là nơi thích hợp sử dụng các cách trồng hoa hồng như ươm cành, chiết cành hoặc các cây hoa hồng còn non
- Có thể thay thế nếu cây chết hoặc mắc bệnh một cách dễ dàng
- Dễ vận chuyển cây, thay đổi được nơi bày cây
- Phù hợp cho những người không có đất trồng cây
- Không tốn quá nhiều công sức trong việc chăm sóc hoa hồng vì số lượng cây ít
- Kiểm soát dễ dàng hơn khi có sâu tấn công
- Dễ nhận thấy được các bệnh cây mắc phải
Nhược điểm:
- Do diện tích nhỏ nên cây có thể bị chậm phát triển
- Nếu cây phát triển nhanh, rễ mọc nhiều sẽ tốn thời gian thay chậu
Trồng hoa hồng trong vườn
Các ưu điểm:
- Có thể dùng hệ thống phun sương để tưới cây hàng loạt
- Trồng được nhiều cây một lúc
- Các cây có đất rộng phát triển
- Không cần thay mới chậu thường xuyên
- Phù hợp cho mọi cách trồng hoa hồng
- Phù hợp cho những ai yêu thích hoa hồng hoặc những người trồng hoa để bán, có đất rộng
Nhược điểm:
- Khó kiểm soát và nhận biết khi cây bị tấn công bởi bệnh
- Không thể di chuyển cây, mưa bão có thể khiến cây bị gãy
- Ánh sáng các cây hấp thụ được là không đồng đều do khác vị trí trồng
Có thể bạn thích: Top 13 Hoa Hồng Cổ Đẹp Nổi Tiếng Của Việt Nam
2. Cách chăm sóc hoa hồng
Để có một chậu cây, vườn cây tốt không chỉ phụ thuộc vào cách trồng cây mà còn phụ thuộc vào cách chăm sóc của bạn. Cây trồng của bạn được trồng với kỹ thuật tốt mới chỉ là hoàn thành được bước đầu. Nếu không tiếp tục chăm sóc hoa hồng, cây có thể vì bị bệnh dịch tấn công, sâu ăn lá tấn công hoặc cũng có thể do chết khô hoặc bị úng nước. Vậy nên khi trồng cây chúng ta nên chăm sóc kỹ lưỡng cho cây để có thể giúp cây luôn luôn trong trạng thái tươi tắn, đẹp đẽ nhất.
Điều kiện ánh sáng
Với những hoa hồng còn bé, khi còn là mầm, chỉ nên để cây ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Khi cây đã lớn dần, bạn có thể mang cây ra phơi nắng độ lâu tùy thuộc vào độ lớn của cây. Với cây trưởng thành, càng được phơi nắng lâu, cây càng phát triển tốt kết hợp với tưới nước. Nhưng lưu ý, bạn không nên phơi nắng cho cây sau 12 giờ.
Hạt giống Hoa Hồng 7 Sắc 10 Hạt
20H - HẠT GIỐNG HOA HỒNG LEO PHÁP
Gốc hoa hồng thân gỗ, hoa đại 10 gốc tặng kích rễ 80k/10 gốc
Điều kiện nước tưới
Hoa hồng là một loài cây không chỉ ưa nắng mà còn ưa nước, bạn nhớ phải bổ sung nước cho cây thường xuyên để cây phát triển tốt. Trong quá trình chăm sóc hoa hồng, nếu bạn để cây thiếu nước, lá cây sẽ bị vàng, cây sẽ rụng nụ.
Thời điểm thích hợp nhất để bạn tưới cây là khoảng 8-9 giờ sáng hoặc 4-5 giờ chiều, không nên tưới buổi trưa dễ gây cháy lá do hấp thụ nhiệt. Tuy nhiên cũng không nên tưới quá nhiều nước sẽ khiến rễ bị úng nước. Cách tốt nhất để tưới cây hiệu quả là dùng vòi phun sương hoặc vòi hoa sen, phun đều lên lá, nụ và hoa. Không tưới cây quá muộn tránh sâu và sên tấn công cây vào ban đêm.
Bón phân cho hoa hồng
Phân bón là một thành phần không thể thiếu trong sự phát triển của cây hoa hồng. Với những cây mới trồng, thời gian bón phân là khoảng 5 ngày 1 lần để cây phát triển rễ và lá. Với những cây đã mọc lá non thì nên bổ sung phân dơi hoặc phân bón vi sinh 1 tháng 1 lần để giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng. Lưu ý: chỉ tưới phân ở gốc, không nên tưới vào hoa.
Cắt tỉa cây
Cắt tỉa cây cũng là một phần quan trọng trong việc chăm sóc hoa hồng mà bạn không nên bỏ qua. Để cây có thể phát triển tốt, bạn nên theo dõi thường xuyên và cắt tỉa những cành cây, lá cây bị hỏng, bị héo đi. Việc làm này sẽ giúp các nhánh cây không bị chen chúc nhau, chất dinh dưỡng sẽ tập trung nuôi những nhánh phát triển tốt.
Phòng trừ sâu bệnh
Trong giai đoạn sinh trưởng của cây cối nói chung đều có thể bị tấn công bởi các loại mầm bệnh, vậy nên không thể tránh khỏi các mầm bệnh xảy ra trong thời gian bạn chăm sóc hoa hồng. Đôi khi các mầm bệnh xuất phát từ việc chăm bón của bạn, nhưng không sao, dưới đây là một số loại bệnh tiêu biểu và cách phòng tránh chúng:
- Bệnh phấn trắng: Bệnh này thường xuất hiện tại thời điểm cây còn non. Khi mắc bệnh, các lá non sẽ bị biến dạng rồi dẫn đến rụng lá, cây chết. Có thể chữa bệnh này bằng cách dùng thuốc Anvil 5SC.
- Bệnh gỉ sắt: Bệnh này khiến lá cây có những vết đốm như gỉ sắt. Có thể dùng thuốc Vimonyl 72BTN để chữa cho cây
- Bệnh rệp: Đây là bệnh phổ biến nhất mà hầu như cây hoa hồng nào cũng mắc phải. Bệnh này xuất hiện do độ ẩm của cây tăng cao khiến rệp phát triển. Chúng có nhiều màu, thường xuất hiện ở nụ hoa, ngọn cây hoặc ở mầm cây. Có thể dùng thuốc Supathion hoặc Thiodal để tiêu diệt chúng.
- Bệnh đốm đen: Bệnh này làm cho lá xuất hiện các đốm đen rồi rụng hàng loạt. Thuốc để chữa bệnh này là Anvil 5SC.
Qua những kiến thức về cách trồng và chăm sóc hoa hồng được liệt kê ở trên, hi vọng có thể giúp bạn có cho mình cách làm thích hợp nhất với bản thân. Chúc bạn sớm có cho mình một chậu hoặc vườn hoa hồng ưng ý để thỏa mãn sở thích của bản thân.